Xây dựng đất nước Trịnh_Doanh

Tháng 3 ÂL năm 1742, Trịnh Doanh giả mệnh vua nhà Lê, tự phong làm Đại nguyên soái, tổng quốc chính, Thượng sư, Minh vương. Trịnh Doanh cho đặt cái ống bằng đồng ở cửa phủ, hạ lệnh cho người có việc hoặc người bị oan ức làm tờ tố cáo bỏ vào trong ống, cứ 5 ngày người có trách nhiệm đem ống ấy tiến trình. Lúc ấy, nhiều người có thư tố cáo quan lại tham nhũng nhưng phần nhiều không có chứng cứ. Rốt cục Trịnh Doanh theo lời Tả chính ngôn Lê Trọng Thứ, bỏ cái ống ấy đi[6].

Khi đó Trịnh Doanh đang hăng hái về công việc chính trị, hạ lệnh đặt chuông và mõ ở cái điếm về cửa phía tả phủ đường. Có người nào trình bày công việc hiện thời và người nào có tài nghệ mà tự mình tiến cử, thì đánh chuông; người nào bị các nhà quyền quý ức hiếp và người nào có sự oan uổng chưa được bày tỏ, thì đánh mõ. Những người này đều phải làm đủ giấy tờ niêm phong kín. Lại phiên lập tức dâng lên để chúa biết. Lại vì từ những năm Bảo Thái, việc thi cử đã chẳng ra gì, số người đỗ do thực học chẳng bao nhiêu; nên Doanh bỏ phép thi "tứ trường", cho khôi phục lại phép thi "sảo thông", lại cho phúc khảo cống sĩ; nhưng vì thời buổi loạn lại nên chỉ loại bớt có 2, 3 phần mười mà thôi[9].

Năm 1749, Trịnh Doanh sai Lê Quý Đôn biên soạn Đại Việt thông sử, gồm ba quyển, chép việc đời Lê Thái Tổ và đời nhà Mạc[12]. Sau đó lại cử Ngô Thì Sĩ soạn Việt sử tiêu án, đính chính một số sai lầm trong Lê sử.

Đầu năm 1750, khi bạo loạn trong nước vẫn chưa dẹp yến, chúa ban bố 12 điều hiểu thị trong kinh ngoài trấn

  1. Viên đại thần vào hạng thân thích, hạng có công, tâu bày công việc, làm tờ niêm phong kín dâng nộp.
  2. Viên chưởng phủ và tham tụng tùy từng việc mà dâng điều hay, ngăn điều dở.
  3. Viên thống lãnh các đạo quân phải xếp đặt công việc kỷ càng cho hợp lẽ phải.
  4. Viên ngự sử khi đàn hặc đứng đối diện với hàng nghi trượng.
  5. Cấm nhà quyền thế ức hiếp người khác.
  6. Viên thiêm sai khám xét kiện tụng phải theo lẽ công bằng.
  7. Viên nội sai chi ra thu vào phải rõ ràng cẩn thận.
  8. Trăm quan phải kính cẩn làm đầy đủ chức phận.
  9. Binh lính phải có kỷ luật, không được sinh lòng kiêu căng, lười biếng.
  10. Dân phải theo lệnh trên, các hào mục trong làng không được quấy nhiễu dân.
  11. Cấm sở tuần ti đánh thuế trái pháp.
  12. Răn cấm lại dịch tiết lậu việc quan hoặc lười biếng bỏ việc.

Lại vì việc binh cần nhiều vàng bạc, nên nhân cuối năm 1750 có khoa thi Hương, chúa hạ lệnh cho mỗi người nộp ba quan tiền, sẽ miễn phải khảo hạch và đều cho đi thi, gọi là "tiền thông kinh". Do đó "người làm ruộng, người buôn bán, tên đồ tể đều hớn hở nộp quyển đi thi. Ngày vào trường thi, học trò giày xéo lẫn lên nhau đến nỗi có người chết. Trong trường thi thì kẻ mang sách, kẻ mướn người làm bài hộ một cách công khai, quan trường cùng người gian trá khác chi các chợ. Phép thi như thế, thực không có gì thối nát hơn nữa"[10].

Tháng 6 năm 1751, chúa chấn chỉnh chức trách các viên quan giữ việc chính trị bèn hạ lệnh cho tham tụng Nhữ Đình Toản châm chước điển lệ các triều, xếp đặt quan chức phẩm trật thành từng loại, gọi là "Tấn thân thực lục". Lại ban hành 9 điều nói rõ chức trách công việc các quan trong kinh, ngoài trấn:

  1. Giúp đỡ vua làm cho bụng nghĩ của vua được ngay thẳng.
  2. Phân biệt, kén chọn quan lại.
  3. Bàn định chính sách đối với dân.
  4. Định kỷ luật quân ngũ.
  5. Xếp đặt việc chi dùng trong nước.
  6. Sách tỏ về thể lệ kiện tụng.
  7. Bàn định việc tính toán chi thu.
  8. Việc thưởng, việc phạt phải cho đúng lẽ.
  9. Hiệu lệnh phải tin thật.[10]

Từ sau các cuộc nổi dậy nông dân, dân ở các nơi bị điêu tàn, các huyện Chương Đức, Mĩ Lương, Yên Sơn và Thạch Thất bị phiêu tán nhiều hơn cả; nên vào năm 1752, triều đình bèn sai sứ thần chia nhau đi yên ủi chiêu tập nhân dân. Năm sau, vì binh lửa đã tạm lắng nên giảm số đinh cho phủ Kinh Môn và Nam Sách thuộc Hải Dương; lấy quân lính đi đánh giặc đã được rút về, phân phối đi cày cấy ở các lộ, tích trữ thóc lúa, để việc phòng bị nơi biên giới được đầy đủ. Bấy giờ Trần Cảnh bị bãi chức, Trịnh Doanh lại triệu Nguyễn Công Thái đã trí sĩ về giữ chức Tham tụng. Công Thái xin bỏ thể lệ nộp "tiền thông kinh" khoa thi hương, Trịnh Doanh y cho[10]. Tháng 12 ÂL năm 1753, Trịnh Doanh lập con là Trịnh Sâm làm Thế tử, có Nguyễn Công Thái giữ chức sư phó giảng dạy cho Trịnh Sâm. Năm 1754, quận Hải Phạm Đình Trọng mất. Bấy giờ Đình Trọng tuy phục vụ cho chính quyền họ Trịnh nhưng tấm lòng của ông vẫn hướng về vua Lê. Lại có tham tụng Đỗ Thế Giai trước kia nhận của đút của Nguyễn Hữu Cầu, nhiều lần muốn nghị hòa và bị Đình Trọng ngăn trở, nên sinh ra ghen ghét. Thế Giai bèn bí mật tố cáo với Trịnh Doanh rằng Hải quận công có ý đồ ủng hộ nhà vua lấy lại binh quyền, rồi đưa thuốc độc đến buộc ông phải uống.

Tháng 6 năm đó, Trịnh Doanh lấy cớ rằng trong nước mới bình yên, bắt các quân lính phô trương sức mạnh, mời Lê Hiển Tông ngự ra xét duyệt, trăm quan làm lễ chầu mừng. Bèn hạ lệnh cho thủy binh bày hàng chiến thuyền ở giữa sông, dung nghi quân sĩ rất tề chỉnh, bơi chèo ngược dòng nước, thuyền phóng đi như bay. Nhà vua rất bằng lòng, gần tối, xa giá trở về cung[10]. Sau đó ông còn ra lệnh cấm đạo Gia Tô, giết nhiều người truyền đạo trong khắp Bắc Hà.

Đối với các đạo từ phương Tây du nhập vào, chính quyền Đại Việt chủ trương ngăn cấm. Chính sách này đã có từ thời Trịnh Tạc. Đến đây, Trịnh Doanh lại ra lệnh cấm đạo, nhưng người dân chết cũng không bỏ, không ngăn cấm vào đâu được.

Tháng 3 ÂL năm 1755, Trịnh Doanh tự gia phong Thượng sư Thượng phụ Anh Đoán Văn Trị Võ Công Minh Vương. Ít lâu sau Nguyễn Công Thái bị bãi chức Tham tụng. Vào năm 1758, Trịnh Doanh xin nhà vua phong cho Trịnh Sâm làm Tiết chế thủy bộ chư quân, chức thái úy, tước Tĩnh quốc công, mở phủ Lượng quốc, mọi việc nhà nước đều giao cho Sâm quyết định. Năm 1760, vì được mùa, triều đình hạ lệnh cho dân nộp thóc sẽ trao cho quan chức: 6 vạn bát quan trao chức tri phủ, 4 vạn bát quan trao chức tri huyện...[13] Sử cũ đánh giá:

Phủ huyện là người tiêu biểu của dân, triều đình giao phó cho cai trị hàng trăm dặm đất, trách nhiệm không nhỏ. Thế mà lại cho người nộp của để làm quan ở phủ huyện, vậy thì coi việc vui mừng việc đau khổ của dân, chẳng phải cũng quá khinh thường lắm sao?

Tháng 2 ÂL năm 1765, do Đỗ Thế Giai lại được bổ dụng lên thay Nguyễn Công Thái, nên lại bàn việc khôi phục tiền thông kinh: huyện lớn lấy 70 người, huyện vừa 50 người, huyện nhỏ 40 người, người nào khảo hạch không trúng, theo thể lệ nộp tiền thông kinh, cũng được vào thi[13].

Tháng 2 ÂL năm 1767, Trịnh Doanh mất, cầm quyền 27 năm, thọ 48 tuổi; Trịnh Sâm lên nối ngôi, truy tôn ông làm Nghị Tổ Ân vương[14] chúa Trịnh Doanh được. an táng ở xã Yên Thịnh huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa.